Hỏi đáp xuất nhập cảnh

Tại sao máy bay bị trễ giờ bay (delay)?

Tại sao máy bay bị trễ giờ bay (delay)? Bài viết được trích từ Facebook phi công Nguyễn Quang Đạt sẽ cho chúng ta có góc nhìn rõ nhất từ người trong cuộc.

Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao máy bay bị delay chưa?

Thật sự, nếu từng lái xe, dù là lái ô tô hay xe máy và đèo một ai khác đằng sau, chắc chắn điều bạn muốn sẽ luôn là làm sao để có chuyến đi an toàn và vui vẻ nhất.

Với các hãng hàng không cũng vậy, đặc biệt là những tiếp viên, phi công trực tiếp điều khiển chuyến bay. Hơn hết họ luôn là người muốn hoàn tất chuyến bay một cách trọn vẹn để trở về với gia đình. Với tần suất bay 3 – 4 chuyến/ ngày thì delay là chuyện không ai muốn cả.

Nhân đây, Hochieuvisa xin được chia sẻ bài viết của bạn Nguyễn Quang Đạt – phi công Jetstar Pacific Airlines để hiểu hơn về “tâm tình” từ người trong cuộc.

Tại sao máy bay bị trễ chuyến dưới góc độ một phi công

Tại sao máy bay bị delay?

Mình có khá nhiều người bạn thường kêu ca về chuyện vì sao chuyến bay bị delay

Bản thân mẹ mình hôm trước đi vào Sài Gòn chơi, gặp mình cũng bảo: “Chuyến hôm nay bị muộn”. Mình hỏi là muộn bao nhiêu, mẹ hồn nhiên trả lời: “Delay hẳn 15 phút con ạ”.

Có nhiều hôm mình mặc đồ thường đi ngồi ghế khách, trong lúc máy bay chờ tới lượt cất cánh khoảng 10 phút, các thượng đế cũng thường buông ra một câu than thở rằng: “Cái hãng này chẳng bao giờ bay đúng giờ nhỉ?”.

Hôm nay, sau khi lại tiếp tục nhận những dòng kể lể về chuyện chuyến bay trễ 20 phút, mình cũng xin một lần phân trần về chuyện, tại sao các chuyến bay thường bị trễ, để mong một cái nhìn thông cảm hơn từ phía hành khách, và để sự đòi hỏi dịch vụ làm sao cho thật văn minh.

Hành trình bay của mình từ Hà Nội vào Sài Gòn.

Thay vì đơn giản từ sau khi bay qua Buôn Ma Thuột, máy bay có thể bay qua hồ Trị An, Đồng Nai rồi thẳng về Tân Sơn Nhất như khoảng 6,7 năm trước, máy bay của mình đã phải bay một hành trình thoạt nhìn có phần hơi kỳ dị: Bay ra thẳng Phan Thiết, bay về Long Thành, rồi vòng lên hồ Trị An, sau đó tiếp tục lượn xuống Vũng Tàu Hồ Tràm rồi sau đó mới quay về Biên Hòa để tiếp cận.

Thời gian bay tăng so với kế hoạch cũng tới 20 – 25 phút. Mà đây là lúc 11 giờ đêm các bạn ạ!

Sân bay Tân Sơn Nhất một ngày có vài lần cao điểm, đã có những lần máy bay của mình khi vào gần đến thành phố thì được thông báo là có số thứ tự thứ 25 để hạ cánh, như vậy nhẹ nhàng cũng là delay 30 phút…

Mình bay tới rất nhiều các sân bay lớn của châu Á như Hong Kong, Bangkok, Singapore,… nhưng thực sự là căng thẳng và bức bách nhất, chính là bay đến Sài Gòn.

Hạ tầng của mình quá tải kinh khủng so với các nước tiên tiến. Và có clear cái sân golf đang ầm ỹ đi thì cũng không giải quyết được gì, vì mặc dù có hai đường băng như các sân bay lớn, nhưng đường băng xây quá gần nhau, không thể hoạt động đồng thời (ở cả Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng) được.

Sân bay có khả năng phục vụ 25 triệu lượt khách, năm nay đã có tới 32 triệu lượt nên tắc ở trên không xuống tới cổng sân bay. Đáp được xuống rồi, đôi khi chờ đường lăn, chờ bãi đậu để được vào cũng nhiều khi mất 10 – 15 phút.

Vậy tổng cộng là nếu một chuyến bay không may mắn, chỉ vì “đường đông” đã có thể trễ tới 30 – 45 phút. Một ngày một máy bay phục vụ khoảng 6 – 8 chuyến bay, chỉ cần một nửa trong đó bị “tắc đường” là những chuyến cuối ngày đã có thể trễ tới 2 tiếng.

Một trong những nguyên nhân khác có thể làm máy bay bị trễ chính là kỹ thuật.

Nói thật là từ khi làm phi công, mình không còn muốn bước lên bất kỳ phương tiện nào khác nữa (đặc biệt là ô tô đường trường). Bởi vì mình thấy máy bay an toàn quá. Đôi khi chỉ vì hỏng một cái đèn, một vết cắt nhỏ trên lốp, một hệ thống vô cùng nhỏ trong hàng chục hệ thống của máy bay báo lỗi mà máy bay buộc lòng sẽ không được phép bay nữa.

Đã có lần vì một lỗi mà biết 99,999% là sẽ an toàn và chỉ còn 0,001% rủi ro mà mình quyết định quay đầu lại về sân bay vừa khởi hành để kiểm tra kỹ thuật.

Mặc dù mình đã đọc phát ngôn để giải thích rất cụ thể nhưng khi xuống máy bay, mọi người vẫn lắc đầu hỏi tiếp viên một câu mà thực sự khiến mình rất tủi thân: “Sao không để cơ trưởng Tây bay mà để người Việt bay xong không tiếp tục được?”.

Nhưng mà thôi, vấn đề kỹ thuật không phải là chuyện để đùa. Mình tin là các anh em đồng nghiệp của mình ở Việt Nam hay nước ngoài đã được huấn luyện cực tốt để họ không đánh đổi vài giờ đồng hồ lấy sinh mạng và tổn thất của rất nhiều người cũng như gia đình họ.

Nên có khi nào nghe chuyến bay phải kiểm tra kỹ thuật, mặc dù không tránh được sự phiền lòng, nhưng mình nghĩ là mình nên tự tin vì họ là những người vận hành một cách có trách nhiệm và lương tâm.

Tại sao máy bay hay bị delay?

Tại sao không giảm tần suất chuyến xuống để tránh delay?

Sẽ có người hỏi là vì sao không giảm tần suất chuyến xuống và tăng thời gian chờ giữa các chuyến bay lên, như vậy có phải vừa không bị quá tải, vừa không bị delay không.

Nhưng mọi người cũng phải hiểu là mình đang mua vé máy bay giá rẻ nhất thế giới trên đất nước mình. Để tối ưu hóa hoạt động và phục vụ được nhiều hành khách nhất, với giá như bây giờ là cả một sự gồng mình của các bộ phận để máy bay có thể quay đầu bay tiếp trong vòng 30 – 35 phút.

Vì để có giá rẻ, một máy bay phải làm sao thực hiện được nhiều chuyến nhất mỗi ngày.

Mọi người hay hỏi là hạ cánh xuống được nghỉ bao lâu, mình hay cười và lắc đầu bảo: “Làm gì được nghỉ”.

Phi công vừa chịu trách nhiệm chuẩn bị lập trình máy bay, vừa nạp nhiên liệu, vừa kiểm tra các hệ thống máy. Tiếp viên thì vừa tươi cười chào khách chuyến trước xong đã phải đeo bao tay, đi thu những đồ rác khách bỏ lại, vừa kiểm tra an ninh cho cả khoang khách, vừa nhận đồ ăn uống, rồi lại nhanh nhẹn tháo bao tay tươi cười chào khách chuyến sau. Tất cả trong có đúng 30 phút, đôi khi bận quá còn không kịp… đi toilet.

Rất dễ để nói là hãy tăng thời gian giữa các chuyến lên 1 – 2 tiếng, để không có chuyến nào bị trễ, nhưng lúc đó giá vé sẽ không còn rẻ nữa, và cơ hội được đi máy bay sẽ không còn dành cho tất cả mọi người.

Nên các thượng đế ơi, hãy nhìn mọi chuyện một cách thật sự công bằng. Tỷ lệ trễ chuyến bay trên 15 phút của Việt Nam trung bình là dưới 20%, tốt ngang với bất kỳ nước nào trên thế giới. Và bạn cứ hình dung rằng trên thế giới tình trạng delay thâm chí còn “hiển nhiên” hơn.

Khi bạn phải di chuyển bằng máy bay, hãy kế hoạch một khoảng thời gian để chuyến đi đươc thoải mái và đừng quá gấp gáp. Nếu chẳng may chuyến bay của các bạn bị trễ thì chúng mình cũng thành thật xin lỗi vì nó là điều không mong muốn.

Nhưng với chúng mình: Phi công, tiếp viên, phục vụ mặt đất, kiểm soát không lưu,… thực sự đều đã rất cố gắng. Các bạn thỉnh thoảng mới phải di chuyến bằng máy bay, chúng mình ngày nào đi cũng là 3 – 4 chuyến, cũng sốt ruột và mong về nhà với gia đình lắm. Nhưng với tốc độ phát triển nhanh mấy năm gần đây, hạ tầng nước mình cũng đang phải gồng lên để chịu đựng. Vì vậy, mỗi người cố một tí, sống và lao động vui vẻ để nước mình cùng dần khá lên nhé.

Tại sao máy bay bị delay thường được giải thích bởi nhiều lý do chủ quan và khách quan khác nhau. Nhưng hãy cố gắng hiểu theo cách tích cực nhất bạn nhé…

Mong rằng bài chia sẻ của người trong cuộc này sẽ giúp bạn có cái nhìn thực tế và cảm thông nhất. Chúc các bạn bay vui vẻ và an toàn!

Trung Nguyen
Nguồn: Facebook phi công Quang Đạt của Jetstar Pacific Airlines

admin