Về tình cảm, nhiều người Việt ở nước ngoài không muốn từ bỏ quốc tịch gốc. Họ muốn việc đăng ký giữ quốc tịch nếu phải làm thì diễn ra tự nhiên, không bị gò ép thời gian.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm UB Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trao đổi với VietNamNet chiều 3/4 về việc đăng ký giữ quốc tịch gốc của những người Việt Nam đang sinh sống, định cư, học tập, làm việc ở nước ngoài. Băn khoăn lớn nhất là hạn chót cho việc đăng ký giữ quốc tịch theo quy định của luật Quốc tịch 2008.
Cụ thể, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị và chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày luật có hiệu lực (1/7/2009) thì phải đăng ký giữ quốc tịch tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thời hạn 5 năm (1/7/2009-1/7/2014).
Trong 5 năm này, họ phải đến đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước nơi người đó định cư để giữ quốc tịch Việt Nam, nếu không đăng ký thì sẽ mất quốc tịch sau ngày 1/7/2014.
Theo phản ánh của Thứ trưởng Ngoại giao, số lượng đăng ký khi hạn chót đã cận kề không nhiều như mong đợi.
Số người đăng ký mà Bộ Ngoại giao nắm được là bao nhiêu? Vì sao lại không nhiều như mong đợi, thưa ông?
Sơ bộ thống kê cho thấy có khoảng 6.000 người đã đăng ký giữ quốc tịch. Tuy nhiên, so với hơn 4,5 triệu người Việt ở nước ngoài thì con số trên là rất ít, không phù hợp mong muốn, dự kiến của chúng ta.
Chúng ta đã không lường hết được khó khăn là người Việt sống rải rác trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều kiện làm việc, sinh sống rất khác nhau nên họ có những quan tâm phân tán khác nhau, nên người này làm thì mách người kia.
Có một phần lý do nữa là có nhiều người không quan tâm đăng ký giữ quốc tịch, vì họ mặc nhiên tư duy quốc tịch là thứ thiêng liêng của mỗi người nên khi chúng tôi nêu vấn đề này ra có nhiều bà con mới biết. Con số 6.000 có thể phản ánh một điều họ muốn tự chủ trong vấn đề xác định quốc tịch.
Không ai mong muốn bỏ đi quốc tịch gốc của mình, cũng không ai mong muốn phải đi xin để rồi trở lại hồi tịch với quốc tịch mà mình đã mang. Họ không muốn mất quốc tịch, muốn giữ quốc tịch nhưng phải trong một hoàn cảnh tự do, tự nhiên, chứ không phải gò ép cứng theo hạn định.
Quy trình thực hiện điều chỉnh luật, nhất là chỉ một quy định không phải dễ dàng khi thời gian chỉ còn 3 tháng nữa. Phương án nào khả thi, nhất là khi phía Nhà nước vẫn mong muốn con số đăng ký giữ quốc tịch phải nhiều hơn?
Về kỹ thuật, trước mắt có thể tạm gia hạn thời gian đăng ký để tránh việc mặc nhiên hàng triệu kiều bào mất quốc tịch sau hạn 1/7 cho đến khi có thể xúc tiến nhanh chóng sửa lại quy định này của luật.
Điều này thực sự ý nghĩa đối với cộng đồng kiều bào. Chúng ta nên để thời gian mở cho bà con hơn là quy định cứng về thời gian phải đăng ký giữ quốc tịch.
Chúng tôi sẽ kiến nghị không nên đặt thời hạn nhất định, mà nên để mở, ai muốn đăng ký thì đăng ký, muốn giữ đến bao giờ thì giữ, không nên quy định thời gian. Điều này cũng phù hợp nguyện vọng của bà con kiều bào.
Kiều bào có thế kẹt vừa muốn giữ quốc tịch gốc do yếu tố tình cảm, nhưng cũng khó có thể bỏ quyền lợi của quốc tịch ở nước sở tại mà họ đang sinh sống?
Luật Quốc tịch không khẳng định rõ cho phép công dân Việt Nam mang 2 quốc tịch. Nhưng lại “mềm dẻo” ở chỗ nếu kiều bào đã mang quốc tịch của một quốc gia mà quốc gia đó không yêu cầu phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam thì Nhà nước Việt Nam vẫn chấp nhận cho bà con giữ quốc tịch Việt Nam.
Ngược lại, khi giữ quốc tịch Việt Nam mà quốc tịch thứ hai nếu như quốc gia đó không yêu cầu phải bỏ quốc tịch để nhập quốc tịch khác thì ta cũng chấp nhận. Luật Quốc tịch chỉ có vấn đề lấn cấn nhất về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/4, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay:
Luật pháp từ năm 1945 đến nay vẫn giữ nguyên tắc “công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Tuy nhiên vì luật pháp hiện hành chỉ cho phép kiều bào chỉ có một quốc tịch nên không thể nói kiểu bào đang mang quốc tịch các nước Pháp, Mỹ, Úc, Singapore… (quy định cũng chỉ có một quốc tịch) có mong muốn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam để bỏ quốc tịch nước họ đang sinh sống. Nói về hơn 4 triệu người là về mặt tình cảm, còn về pháp lý, kể cả nếu sửa luật mở rộng thêm 5 năm (tới năm 2019) tính toán có bao nhiêu người đăng ký thì chưa có số liệu cụ thể. Vì thế Bộ Tư pháp chưa có cơ sở để đề nghị sửa luật. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: Đề nghị Bộ Ngoại giao sớm có báo cáo tổng hợp để xem tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng kiều bào. Nếu để như luật quy định thì khi quá hạn định của luật, những người chưa đăng ký mặc nhiên mất quốc tịch. |
Nguồn: Vietnamnet