Thiên nhiên bao đời luôn ẩn chứa những điều kỳ diệu. Có những vẻ đẹp mà dường như dù đứng ngay trước mặt ta cũng chẳng thể nào tin. Ngỡ ngàng rằng thiên nhiên lại có thể tạo nên điều tuyệt diệu như thế. Trải nghiệm đó không hề xa lạ, đặc biệt là khi tới Phú Yên để chiêm ngưỡng sự kì thú của ghềnh Đá Dĩa – danh thắng quốc gia ta được công nhận từ năm 1998.
Ghềnh Đá Dĩa nằm cách thành phố Tuy Hòa của tỉnh Phú Yên chừng 40km theo quốc lộ 1A về hướng Bắc. Nơi đây từ lâu đã nổi bật với ghềnh đá được tạo bởi những khối lục giác nằm sát bên nhau tựa những chồng dĩa lớn xếp cao. Ngoài cái tên ghềnh Đá Dĩa thì người ta vẫn gọi nơi đây là ghềnh Đá Đĩa cũng chính bởi hình thù đặc biệt của nó.
Khu ghềnh đá nằm ngay đầu sóng, ngày ngày ngóng tâm tình lòng biển thổi vào. Trải dài trên 200m và chiều rộng có nơi lên tới 50m ghềnh đá tạo nên một đường ven biển hết sức kỳ vĩ và sống động, choáng ngợp tất cả những người đến đây chiêm ngưỡng.
Nhìn từ phía xa, từ trên cao dội về, ta thấy đá xếp lớp, xếp khối tự miếng sáp ong khổng lồ, đen bóng và vững chắc. Ấy là biểu tượng cho sự đoàn kết, cho sự kiến cường, gắn bó của người dân. Ghềnh đá cũng chính là dấu tích xưa của dòng dung ngam núi lửa năm nào. Dung nham nóng đông lại khi gặp biển lạnh. Không hiểu cái cuộc gặp gỡ lịch sử ấy đặc biệt đến thế nào mà tạo nên được Đá Dĩa hôm nay. Sức mạnh của thiên nhiên quả thực phi thường quá.
Trải qua biết bao nhiêu năm, nùi lửa ngày không còn hoạt động. Đường biển trở lại với dáng vẻ bình yên, kỳ thú. Sóng vẫn thế, vỗ về và dịu đi những nỗi lòng của đá, của khơi. Ngồi trên ghềnh đá lặng nhìn sóng vỗ. Mênh mang biết bao nhiêu là cảm xúc. Sóng khi hiền hòa, khi dữ dỗi tung bọt trắng hàng đàn mát rượi.
Dù được công nhận di sản quốc gia từ lâu nhưng ghềnh đá vẫn còn hoang sơ lắm. Vẻ đẹp tự nhiên mộc mạc như đá, như sóng vậy. Đến đây chẳng những quán, những hàng, những tấm nập. Đến đây bình yên và nhẹ nhõm biết bao. Mùa đông hay mùa hè, biển vẫn dạt dào đón đưa bao tâm hồn của người lữ khách.
Ở đây ta ngồi nghĩ miên man, nhìn trời nhìn bể, nhìn những hình thù của đá. Trí tưởng tượng bao lấy những khối hình, ta giải phóng tất thảy lo ấu. Bóng mây trời, bóng biển, bóng đá. Không có bất kì điều gì che khuất tầm nhìn, tất cả rộng mở và tươi mới.
Tới ghềnh Đá Dĩa, ngoài cái vẻ kì thú xếp chồng đá của thiên nhiên, ta cũng có thể tới nhà thờ Mằng Lăng ngay tại lối vào, đi sâu hơn thì gặp một hang đá ăn sâu vào chân núi. Phía xa xa vọng về là Bãi Bàng, vừa có thể tắm biển, vừa có hải sản ngon để thưởng thức. Đây thực sự là một nơi đáng để chiêm ngưỡng và tìm về của Phú Yên.
Đến nơi đây, không khác nào được gặp cảnh đẹp đến ngỡ ngàng mà ta chiêm ngưỡng trên phim ảnh nước ngoài. Trên thế giới cũng có những “ghềnh Đá Dĩa” nổi tiếng như của Phú Yên. Ấy là: ghềnh đá Órganos ở đảo La Gomera nổi tiếng của Tây Ban Nha, bờ biển Đông Bắc Ireland với núi đá Giant’s Causeway, hay trong hang động Fingal ở đảo Staffa, Scotland hay ở đảo JeJu của Hàn Quốc. Những ghềnh đá này vẫn luôn là niềm tự hào của quốc gia nơi ấy, và Đá Dĩa Phú Yên vẫn luôn là niềm tự hào của nước ta.
Nói vậy để biết rằng cảnh quan của Việt Nam không thua kém những kiệt tác thiên nhiên trên thế giới. Những chuyến đi dọc chữ S thân thương luôn chứa chan tình cảm và những điều bất ngờ thú vị. Biển trải qua bao đời vẫn đẹp thế, đá trải qua bao nhiêu tháng năm vẫn sừng sững, kiên cường.
Ghềnh Đá Dĩa không chỉ là danh thắng, là cái gì đó được công nhận trong sổ sách, nó là vẻ đẹp được công nhận bởi chính lòng người. Dù có đi xa đến đâu thì ta vẫn luôn hạnh phúc bởi có một thiên nhiên đẹp tươi, diệu kỳ và kỳ vĩ đên vậy.