Đi du lịch, khách ngại nhất là xin visa. Mặc dù đã khá cởi mở trong việc cấp thị thực, song Việt Nam vẫn bị kêu là chặt so với với nhiều quốc gia láng giềng. Vì thế, Việt Nam đang xem xét miễn thị thực cho du khách đến từ 9 nước.
Nên thoáng với ‘vé vào cửa’
Theo chỉ số của Henley & Partners về việc hạn chế thị thực, Việt Nam đang xếp thứ 81 vì chỉ cho phép 47 quốc tịch không cần thị thực nhập cảnh, trong khi Singapore xếp thứ 5, Malaysia xếp thứ 8 và Hồng Kông xếp thứ 15.
Khách du lịch đang coi thị thực như một thủ tục áp đặt chi phí, gồm chi phí trực tiếp (lệ phí thị thực) gián tiếp (khoảng cách, thời gian chờ đợi và sự phức tạp của quy trình cấp). Nếu chi phí vượt quá ngưỡng thì khách du lịch tiềm năng không muốn thực hiện chuyến đi nữa hoặc sẽ chọn một điểm đến thay thế.
Tổng giám đốc Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA), ông Tony Tyler, cho rằng, mỗi một du khách quyết định chọn đi các nước láng giềng do khó xin thị thực ở Việt Nam đồng nghĩa với việc Việt Nam mất một cơ hội kinh doanh. Như vậy, việc Việt Nam nới lỏng các yêu cầu thị thực sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.
Ông Joe Mannix, Giám đốc khu vực của United Airlines, phàn nàn, phí visa với khách Mỹ vào khoảng 40-50 USD, trong khi Việt Nam đang miễn visa cho rất nhiều khách du lịch đến từ các quốc gia khác… Số tiền này nếu được giảm đồng nào cũng tốt du khách.
Một năm đón 400.000 khách du lịch, trong đó có hàng chục ngàn khách quốc tế, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty du lịch Tiếp thị và GTVT (Vietravel), cho rằng, cần sớm xem xét bỏ hoặc đơn giản thủ tục xin visa. Ông dẫn chứng, trước đây khi chưa bỏ visa cho Nhật Bản, khách đến Việt Nam rất ít, thậm chí số lượng còn thấp hơn cả Mỹ, nay nới lỏng visa Nhật trở thành thị trường đông khách hiện nay.
Đề xuất miễn thị thực cho 9 nước
Kiến nghị nới lỏng thủ tục visa cho khách du lịch đến từ các nước Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ý, Úc, New Zealand, Ấn Độ và Canada vừa được Bộ Giao thông Vận tải và Bộ VH-TT&DL nhằm thu hút nhiều hơn khách quốc tế từ những khu vực trọng điểm. Hội đồng Tư vấn Du lịch mới đây cũng có ý kiến bằng văn bản ủng hộ đề xuất trên.
Lý giải tại sao tại chọn 9 nước này, Hội đồng Tư vấn Du lịch cho rằng, khách phương Tây có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày; khách Úc và New Zealand là những thị trường tiềm năng mang lại nguồn thu cho các doanh nghiệp du lịch trong mùa thấp điểm; còn Canada nằm trong tốp 15 thị trường khách du lịch quốc tế hàng đầu đến Việt Nam. Riêng Ấn Độ, với quy mô dân số lớn, sẽ trở thành một thị trường nguồn quan trọng.
Nhờ miễn visa, một số nước ASEAN đã đón lượng khách lớn |
Việt Nam hiện áp dụng hệ thống miễn thị thực trong thời hạn 30 ngày cho khách du lịch đến từ các nước ASEAN (trừ Brunei trong thời hạn 14 ngày) và trong thời hạn 15 ngày đối với khách du lịch đến từ các nước Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga.
Nhờ đó, khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng đáng kể. Thống kê từ Tổng cục Du lịch cho thấy, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2014 đạt hơn 5,47 triệu lượt, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, gần 42% lượng khách thuộc đối tượng miễn thị thực. Riêng khách du lịch đến từ Nga tăng 27%; khách du lịch đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản duy trì đà tăng trưởng vượt trội và là hai thị trường gửi khách du lịch quốc tế hàng đầu đến Việt Nam.
Ngoài ra, khách quốc tế đến Việt Nam còn mang lại nguồn thu lớn. Năm 2013, Việt Nam đã đón 7,57 triệu lượt khách du lịch quốc tế, với mức chi tiêu trung bình 1.200-2.500 USD/khách mang lại hàng tỷ USD doanh thu cho ngàng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, việc nới lỏng thủ tục visa có thể theo nhiều hình thức. Chẳng hạn, khách đến Việt Nam một lần rồi thì nên miễn visa cho họ, hoặc tạo điều kiện cho họ lấy landing visa tại chỗ (lấy visa tại sân bay). Với các công ty du lịch lớn, nên ủy quyền làm visa cho họ, tức họ chịu trách nhiệm về visa cho khách. Ví dụ, Dubai đang triển khai theo cách này nên bất chấp điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khách đổ đến du lịch.
Hơn nữa, “cửa lấy visa tại các sân bay quá nhỏ, giỏi lắm chỉ có 2 land (khu vực xếp hàng chờ lấy visa). Khách phải đứng ngồi lổn nhổn, làm xấu hình ảnh ngành du lịch”, ông Kỳ góp ý.