Sáng 17-10, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật quốc tịch sửa đổi năm 2008.
Với thành phần tham dự là các Việt kiều, Ban liên lạc các Việt kiều, Phòng trợ giúp pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài…, vấn đề được các đại biểu bàn luận chính là điều khoản cho nhập lại quốc tịch Việt Nam đối với người nước ngoài gốc Việt, cùng những chính sách ưu đãi liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài về nước sinh sống.
Theo ý kiến của bà Lương Bạch Vân – chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM, Luật quốc tịch cho phép những người Việt Nam ở nước ngoài đã bỏ quốc tịch Việt Nam nhập lại quốc tịch và có thể sử dụng cả hai quốc tịch. Nhưng có những gia đình đã sống ở nước ngoài đến thế hệ thứ 2, thứ 3, đối với các thế hệ sau, khi chưa có Luật quốc tịch, đầu tư về Việt Nam được ưu đãi chọn lựa đầu tư trong nước hoặc ngoài nước. Tuy nhiên, khi Luật quốc tịch có hiệu lực thì ưu đãi này không còn nữa, các bạn muốn đầu tư trong nước thì sở kế hoạch – đầu tư yêu cầu phải có quốc tịch Việt Nam.
Hay ý kiến cho rằng luật ra đời sớm nhưng không thể thực hiện được ngay bởi còn phải chờ thông tư và nghị định, thậm chí phải 2 năm sau khi luật ra đời các Việt kiều mới có thể làm giấy tờ xin quốc tịch Việt Nam là quá lâu, các văn bản quy định liên quan đến Luật quốc tịch cũng giới hạn đến tháng 7-2014 hết hạn nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch là không hợp lý.
“Phần lớn người Việt Nam ở nước ngoài phải dành rất nhiều thời gian để làm việc, đến khi lớn tuổi đều muốn trở về quê hương, nhưng quy định đến năm 2014 không nhận hồ sơ làm quốc tịch nữa thì rất thiệt thòi cho nhiều người sau này” – ông Lê Đình Thảo, quận 1, nói.
Được quyền lợi gì khi có hai quốc tịch?
Tại buổi thảo luận, cũng có đại biểu đưa ra số liệu hiện nay số người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài là hơn 4 triệu người nhưng số người xin nhập quốc tịch Việt Nam chỉ đạt con số 4.000 (chiếm 0,1%), như vậy là quá thấp.
Nhiều Việt kiều không hiểu được quyền lợi mà mình được hưởng khi có 2 quốc tịch. Họ không biết khi nào thì sử dụng hộ chiếu Việt Nam và khi nào sử dụng hộ chiếu nước ngoài, một đại biểu là Việt kiều hiện đang sinh sống ở quận 1 cho biết.
Thừa nhận công tác tuyên truyền Luật quốc tịch chưa tốt khiến các Việt kiều chưa nắm bắt hết những văn bản liên quan, ông Nguyễn Văn Anh (trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM) cho rằng Luật quốc tịch chưa quy định trách nhiệm và quyền lợi của người có 2 quốc tịch. Do đó, các Việt kiều nhập cảnh về Việt Nam bằng hộ chiếu nào thì sẽ áp dụng các điều luật của Việt Nam đối với quốc tịch đó. Bởi vậy, các Việt kiều khi nhập cảnh nên cân nhắc sẽ trở về Việt Nam bằng hộ chiếu nào. Đồng thời, ông Anh cũng cho rằng con số chỉ có 4.000 Việt kiều được nhập quốc tịch có thể là chưa chính xác bởi riêng TP.HCM con số này đã là 3.000 người.
Còn vấn đề đến tháng 7-2014 sẽ ngừng nhận hồ sơ nhập quốc tịch Việt Nam, đại diện Sở Tư pháp TP.HCM khẳng định tất cả trường hợp có nhu cầu nhập tịch nhưng chưa có điều kiện nhập quốc tịch thì có thể làm giấy đăng ký giữ quốc tịch, đến khi nào có điều kiện thuận lợi thì làm thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam sau.
HOÀNG ĐIỆP