Hướng dẫn thủ tục giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký thường trú tại Việt Nam .
TRÌNH TỰ THỰC HIỆN:
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Bước 2. Nộp hồ sơ:
1. Công dân Việt Nam mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu do nước ngoài cấp còn giá trị (gọi chung là hộ chiếu nước ngoài), nếu không có hộ chiếu thì phải có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp, nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại Việt Nam ở một trong hai trụ sở làm việc của Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an :
a) 44-46 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội.
b) 254 Nguyễn Trãi, Q.1, TP Hồ Chí Minh.
d) Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Từ thứ 2 đến sáng thứ 6 hàng tuần (trừ ngày tết, ngày lễ và chủ nhật).
+ Buổi sáng: từ 8h00’ đến 11h30’
+ Buổi chiều: từ 13h30’ đến 16h00’
2. Hoặc nộp hồ sơ tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày tết, ngày lễ và chủ nhật).
3. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:
+ Nếu đầy đủ, hợp lệ, thì nhận hồ sơ, in giấy biên nhận, hẹn ngày trả kết quả và trao cho người nộp hồ sơ.
+ Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn người nộp bổ sung hồ sơ cho đầy đủ.
Bước 3– Trả kết quả:
1. Người nhận kết quả đưa giấy biên nhận cho cán bộ trả kết quả để đối chiếu, nếu có kết quả thì trao Giấy báo tin cho người đến nhận kết quả.
2. Thời gian trả kết quả:
a) Tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày tết, ngày lễ và chủ nhật).
b) Tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày tết, ngày lễ và chủ nhật).
CÁCH THỨC THỰC HIỆN:
Trực tiếp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
THÀNH PHẦN, SỐ LƯỢNG HỒ SƠ:
1. Thành phần hồ sơ, bao gồm:
– 01 đơn đề nghị về Việt Nam thường trú (mẫu TT01)
– 01 bản sao hộ chiếu nước ngoài hoặc bản sao giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp (hoặc bản chụp, kèm theo bản chính để kiểm tra, đối chiếu).
– 01 bản sao một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh có quốc tịch Việt Nam (giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp xác nhận còn giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam về quốc tịch).
– 03 ảnh mới chụp cỡ 4x6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu.
– 01 bản sao một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh có nhà ở hợp pháp tại Việt Nam (kèm bản chính để đối chiếu): Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; giấy tờ mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở; hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán, giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật; bản sao hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở của cá nhân; văn bản chứng minh người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho người đó đăng ký thường trú; bản sao giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhà ở của người cho thuê, mượn, ở nhà.
– 01 bản sao một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh đủ điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương (nếu về thường trú tại TP trực thuộc TW).
– 01 bản sao giấy có giá trị chứng minh là chức sắc tôn giáo, nhà tu hành.
– Văn bản đồng ý của người đứng đầu cơ sở tôn giáo.
– Văn bản của cơ quan có thẩm quyền VN về tôn giáo chấp thuận cho về VN hoạt động tôn giáo.
Số lượng hồ sơ: 02 (hai) bộ.
THỜI HẠN GIẢI QUYẾT:
1. Trực tiếp nộp sơ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an: Trong thời hạn 60 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
2. Trực tiếp nộp sơ tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
– Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xem xét và chuyển hồ sơ về Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN:
Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân của người xin về Việt Nam thường trú.
CƠ QUAN THỰC HIỆN:
Cục quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
KẾT QUẢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH:
Giấy báo tin
LỆ PHÍ: Không thu lệ phí
TÊN MẪU ĐƠN, MẪU TỜ KHAI:
Đơn đề nghị về Việt Nam thường trú (mẫu TT01)
YÊU CẦU, ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN:
– Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu do nước ngoài cấp còn giá trị hoặc giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp.
– Không thuộc diện “Chưa cho nhập cảnh” hoặc “Tạm hoãn xuất cảnh” theo quy định tại Điều 8, Điều 9 của Pháp lệnh số 24/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/4/2000 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
– Có nhà ở hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của Luật Cư trú số 81/2006/QH11 ngày 29/11/2006.
– Nếu về thường trú tại TP trực thuộc TW thì phải có giấy tờ có giá trị chứng minh đủ điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.
– Nếu về cơ sở tôn giáo và hoạt động tôn giáo thì phải có văn bản đồng ý của người đứng đầu cơ sở tôn giáo, văn bản của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam về tôn giáo chấp thuận cho về Việt Nam hoạt động tôn giáo.
CĂN CỨ PHÁP LÝ:
– Luật cư trú số 81/2006/QH11 ngày 29/11/2006.
– Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú.
– Nghị định 136/2007/ NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
– Thông tư liên tịch số 05/2009/TTLT/BCA-BNG ngày 12/5/2009 của Bộ Công an – Bộ Ngoại giao hướng dẫn thủ tục giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký thường trú tại Việt Nam.
– Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT/BCA-BNG, ngày 03/01/2012 của liên Bộ Công an – Ngoại giao sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 04/2002/TTLT/BCA-BNG ngày 29/01/2002 và Thông tư liên tịch số 05/2009/TTLT/BCA-BNG ngày 12/5/2009 của Bộ Công an – Bộ Ngoại giao trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.